2.11.2020

Vào ngày 31 tháng 10 năm 2020, dự án GreenCityLabHuế đã tổ chức hội thảo các liên quan lần thứ nhất với nội dung chính nhằm thảo luận xây dựng các kịch bản triển khai các giải pháp dựa vào thiên nhiên ở thành phố Huế. Hội thảo được tổ chức với sự hướng dẫn kĩ thuật từ phía trường Đại học Humboldt tại Berlin (HUB) và Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường (UfU) và được tổ chức tại Việt Nam bởi các đối tác gồm Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR), Viện Nghiên cứu Phát triển Huế (HueIDS) và Khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học Huế tại Hội trường A1, trường Đại học Khoa học Huế.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 20 người đại diện cho các bên liên quan khác nhau, bao gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Bảo vệ Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường, Cán bộ địa chính phường Hương Sơ, Công ty Cây xanh, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế, Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Viên Quy hoạch Xây dựng, Khoa Môi trường – trường Đại học Khoa học Huế, Khoa Tài nguyên đất – trường Đại học Nông lâm Huế, Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Huế, Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng – trường Đại học Y Dược Huế, Chương trình Trường học Hạnh phúc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Người cao tuổi, Hội Nuôi ong và các bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại thành phố Huế.

Mở đầu Hội thảo, ThS. Hoàng Thị Bình Minh (MISR) và TS. Nguyễn Vũ Minh (HUSC) trình bày một số kết quả chính trong giai đoạn định nghĩa của dự án GreenCityLabHuế, bao gồm (1) những lợi ích của các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS) đối với thành phố Huế, (2) phân loại các loại hình GBI và giá trị sinh thái, (3) phân loại các danh mục sử dụng đất và kiểm kê GBI, (4) những văn bản liên quan đến việc xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, (5) những văn bản liên quan đến việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu của tỉnh Thừa Thiên Huế, (6) mô hình mô tả các bên liên quan chính đối với NBS tại thành phố Huế, (7) đánh giá được nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và những khía cạnh khác của xã hội về NBS tại thành phố Huế. Những vòng thảo luận tiếp theo của buổi Hội thảo tập trung giải quyết các câu hỏi:

  • Những giải pháp can thiệp được đề xuất có thực tiễn và phù hợp?
  • Viễn cảnh nào bạn mong muốn sẽ xảy ra đối với thành phố Huế? Những loại hình GBI nào nên là một phần của các kịch bản?
  • Các giải pháp can thiệp có nên được tách biệt giữa các khu vực khác nhau trong thành phố như Kinh thành, bên trong và bên ngoài thành phố?
  • Những vùng không gian nào mà nơi đó các giải pháp can thiệp không nên được thực hiện hoặc một số giải pháp không được cho phép?
  • Những thông tin chi tiết nào sẵn có về tỉ lệ chuyển đổi mục đích sử dụng đất (cũng như các địa điểm mở rộng đã được quy hoạch)?

Hội thảo các bên liên quan là một phần của quá trình đồng nghiên cứu và đồng thiết kế nhằm xây dựng các kịch bản tương lai cho việc phát triển cơ sở hạ tầng xanh tại Huế. Việc điều chỉnh các bước quan trọng của quá trình lập mô hình phù hợp với những điều kiện của địa phương là rất cần thiết cũng như việc lựa chọn các khu vực triển khai thí điểm các giải pháp dựa vào thiên nhiên cho giai đoạn nghiên cứu và phát triển tiếp theo của dự án.

Nhóm thực hiện dự án GreenCityLabHuế xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các bên liên quan vì sự hỗ trợ và đóng góp quý giá trong quá trình diễn ra Hội thảo.