15. Tháng 10 năm 2020

Trong dự án của chúng tôi về các biện pháp thí điểm địa phương nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu ở miền Trung Việt Nam, được hỗ trợ bởi quỹ khí hậu của Bộ Ngoại giao Đức, UfU khuyến khích bốn nhóm dự án trẻ của Việt Nam phát triển và thực hiện các ý tưởng dự án của riêng họ.  Bốn dự án quy mô nhỏ đang tiến triển khá đáng kể bất chấp những thách thức do đại dịch hiện nay. Các nhóm dự án đã viết tin tức để thông báo về tình trạng và những thành công gần đây trong dự án của họ.  Dưới đây, anh/chị có thể đọc tin tức từ các nhóm dự án rừng ngập mặn và than sinh học.

Chiến dịch tình nguyện hè 2020 và lễ trồng cây vì cộng đồng xã Tân Ninh (đã viết bởi Hoàng Anh Vũ)

Ngày 02/8/2020, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Quảng Bình và Huyện đoàn Quảng Ninh đã tổ chức Phát động Chiến dịch tình nguyện hè và Lễ trồng cây vì cộng đồng năm 2020. Sự kiện này là một phần của dự án quy mô nhỏ về biến đổi khí hậu do Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua Viện Độc lập về Các vấn đề Môi trường (UfU, Berlin) và Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR, thành phố Huế).

Phát biểu tại lễ trồng cây, ông Hoàng Anh Vũ (chủ nhiệm dự án) giải thích việc trồng phục hồi cây bần nhằm khôi phục hệ sinh thái ngập mặn khu vực ven sông Kiến Giang thuộc xã Tân Ninh sẽ tạo ra giá trị cảnh quan và phục vụ du lịch sinh thái của địa phương. Nhận thức được giá trị của rừng ngập mặn, người dân sẽ trồng nhiều cây hơn để tăng độ che phủ và đảm bảo hơn cho sự phát triển bền vững.

Sự kiện đã thu hút sự tham gia của khoảng 250 tình nguyện viên, trong đó có người dân địa phương, đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Quảng Bình và các đoàn viên huyện Đoàn Quảng Ninh. Trong sự kiện, các tình nguyện viên đã trồng hơn 1000 cây ngập mặn (cây bần, cây đước) dọc sông Kiến Giang tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh.

Ban tổ chức xin cảm ơn tất cả các bạn tình nguyện viên đã tham gia. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn Bộ Ngoại giao Cộng Hòa Liên bang Đức, Viện Độc lập về Các vấn đề Môi trường (UfU, Berlin) và Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung (MISR, thành phố Huế) đã tài trợ cho sự kiện này. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ trồng được nhiều cây xanh hơn nữa để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng địa phương.

Xây dựng lò nung và sản xuất than sinh học ở làng Krông Klang, tỉnh Quảng Trị  (đã viết bởi  Nguyễn Văn Trường Kỳ)

Ngày 22/7/2020, dự án “Biến phụ phẩm nông nghiệp thành than sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tăng năng suất cây trồng” đã chính thức được khởi động bằng việc xây dựng lò sản xuất than sinh học. Lò được xây dựng bằng một thùng chứa dầu 200 lít với một nắp nhỏ phía trước và một ống khói kim loại ở phía sau. Một lưới kim loại đặt bên trong thùng chứa cho phép thông gió. Lò được đặt trên một nền bê tông và được bao phủ bởi gạch và vữa để bảo vệ nó khỏi tác động thời tiết khắc nghiệt và thất thoát nhiệt.

Năm loại phụ phẩm nông nghiệp địa phương được sử dụng để sản xuất than sinh học, bao gồm tràm, sả, húng quế, gừng và nghệ, tất cả đều ở dạng gỗ mềm. Ước tính trong khu vực dự án có 25 tấn chất thải này được thải ra môi trường hàng tháng gây ô nhiễm không khí và tài nguyên nước của địa phương.

Từ ngày 22 tháng 7 đến ngày 6 tháng 8, chúng tôi đã sản xuất than sinh học, tuy nhiên, số lượng sản xuất không được như mong đợi do thời tiết xấu và khó khăn trong quá trình đốt lò. May mắn thay, thử thách ban đầu đó đã sớm kết thúc sau khi nhóm đã có được một số kinh nghiệm làm việc với một công nghệ mới.

Sau đó, nhóm nghiên cứu quyết định tận dụng khoảng thời gian xã hội cách ly do Covid 19 để bắt đầu thử nghiệm trồng trọt với than sinh học để xuất phân bón. Chúng tôi bắt đầu với 4 mẫu cây đậu phộng khác nhau (một mẫu chỉ làm đất, một hỗn hợp đất-than sinh học 2%, một hỗn hợp 2% than sinh học-7% phân trộn-đất và một hỗn hợp đất-7% phân trộn). Nhóm dự án dự kiến ​​sẽ tiếp tục với tổng số 24 mẫu sử dụng cả 4 tỷ lệ hỗn hợp than sinh học ở quy mô lớn hơn áp dụng cho 3 loại cây (húng quế, gừng và lạc). Việc đánh giá sinh trưởng sẽ được thực hiện hai lần một tháng dựa trên các tiêu chí về sinh trưởng của cây, bao gồm độ dày thân, chiều cao cây và số lá.