24.05.2023
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) và Viện Độc lập Các vấn đề về Môi trường – UfU, dự án CPEP2: Trồng cây năng lượng tại khu vực sau khai thác khoáng sản ở Việt Nam tiếp tục được triển khai tại khu vực sau khai tác mỏ Bau-xit của Công ty Nhôm Lâm Đồng tại xã Tân Rai, Huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Dựa trên những kết quả của vụ sắn năm 2021, các chuyên gia từ UfU đã nhận thấy tiềm năng về năng suất của cây sắn được trồng tại khu vực sau khai thác mỏ, đặc biệt là tiềm năng hấp thụ các kim loại nặng trong đất cũng như tiềm năng trong sản xuất Ethanol sinh học của cây sắn được trồng tại khu vực này. Tuy nhiên, do điều kiện đất mới hoàn thổ và trong quá trình thực hiện còn có các hạn chế nên sản lượng sắn chưa đạt được như kỳ vọng.
Ở vụ sắn thứ 2, từ đầu năm 2023, các chuyên gia của dự án CPEP 2 đã lên kế hoạch chi tiết và có những bước chuẩn bị kỹ càng hơn để tiến hành triển khai trồng cây năng lượng tại khu vực thí điểm của dự án. Rút kinh nghiệm từ vụ sắn năm 2021, vụ sắn năm 2023 được chuẩn bị đầy đủ các vật tư cần thiết đặc biệt là phân hữu cơ, lắp đặt và vận hành hệ thống tưới nước đảm bảo việc tưới tiêu cho cây sắn đặc biệt trong 2 tháng đầu sau tiên sau khi trồng.
Các chuyên gia từ UfU phối hợp cùng các chuyên gia của Khoa Nông Lâm của Đại học Đà Lạt đã xây dựng, theo dõi, giám sát và hướng dẫn thực hiện các kỹ thuật từ chuẩn bị giống sắn, xử lý giống sắn, phương pháp trồng, phân bón, chăm sóc, thu hoạch,… Để đảm bảo các loại vật tư và kỹ thuật canh tác được thực hiện đầy đủ và thực hiện đúng quy trình.
Các chuyên gia kỳ vọng sản lượng sắn/hecta vụ năm 2023 sẽ đạt gần tương đương hoặc tương đương với sản lượng của tỉnh Lâm Đồng vào những năm gần đây.
Dự án CPEP: Trồng cây năng lượng tại khu vực sau khai thác khoáng sản ở Việt Nam thuộc chương trình “Sáng kiến quốc tế về Khí hậu (IKI)” do Chính phủ CHLB Đức tài trợ, phối hợp với các đối tác tại Việt Nam thực hiện từ năm 2015.