16.08.2019

Với tên ngắn gọn là Green City Lab Hue, một dự án hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức đã khởi động vào tháng 7 năm 2019. Dự án được thực hiện trong sự hợp tác giữa Viện Độc lập các Vấn đề Môi trường với Đại học Humboldt tại Berlin và Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung tại Huế. Vào tháng Mười, sự kiện chính thức đầu tiên sẽ được tổ chức tại Huế với sự tham gia của tất cả mọi người quan tâm.

Các giải pháp dựa vào tự nhiên để tăng cường tính chống chịu khí hậu cho các vùng đô thị ở miền Trung Việt Nam

Các thành phố vừa là tác nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu đồng thời cũng là nơi đặc biệt bị ảnh hưởng do tác động của hiện tượng đó. Dân số tập trung đông cùng với mật độ cao của các cơ sở và hạ tầng tiêu thụ nhiều năng lượng trong một không gian hẹp dẫn đến phát thải CO2 cao, trong khi đó việc chuyển đổi đất và thảm thực vật tự nhiên dẫn đến sự hình thành của hiệu ứng đảo nhiệt đô thị do bởi mất đi khả năng giữ nước và tiềm năng thấm nước của đất trong mùa mưa. Nhu cầu phối hợp các biện pháp giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu và tăng cường tính chống chịu của đô thị đang trở thành thiết yếu trong quy hoạch đô thị. Trong hoàn cảnh đó, các giải pháp dựa vào tự nhiên (NBS) đang ngày càng trở nên quan trọng trong quy hoạch đô thị và khu vực. Các giải pháp dựa vào tự nhiên có tiềm năng giải quyết các thách thức về môi trường và xã hội như biến đổi khí hậu và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, an ninh nguồn nước, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí, an ninh lương thực, sức khỏe con người và quản lý tai biến thiên nhiên. Điều này cũng bao gồm việc mở rộng và cải thiện cơ sở hạ tầng xanh nước-xanh lục (GBI) – một mạng lưới quy hoạch chiến lược về các diện tích tự nhiên và bán-tự nhiên.

Việt Nam là một trong những nước có mật độ dân số cao trên thế giới. Với tỉ lệ đô thị hóa hàng năm là 3.4%, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, trong đó có những thành phố như Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế. Dân số đô thị ở Việt Nam sẽ tăng từ mức 30% hiện tại lên đến ước tính là 50% vào năm 2050. Bên cạnh đó, Việt Nam là nằm trong số năm nước bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu. Miền Trung Việt Nam và các thành phố ở vùng này như Huế là đặc biệt bị ảnh hưởng bởi bão, bão nhiệt đới, mưa nhiều và làn sóng nhiệt cực đoan, mà thường dẫn đến mất mát về người và thiệt hại về cơ sở hạ tầng. Huế có tầm quan trọng về du lịch và lịch sử và là đô thị Loại I trực thuộc  tỉnh của chính quyền Việt Nam, do đó Huế là một trường hợp điển hình đại diện cho hơn 65 tỉnh thành khác ở Việt Nam. Các nhân tố này, cùng với sự tương đồng về cấu trúc quản lý hành chính, chịu ảnh hưởng mạnh bởi biến đổi khí hậu làm cho Huế được lựa chọn là địa điểm lý tưởng cho thử nghiệm tiếp cận Phòng Thí Nghiệm Học tập Đô thị (Urban Learning Lab), từ đó các tiếp cận và nội dung có thể được chuyển giao cho các thành phố trực thuộc tỉnh khác ở Việt Nam.

Dự án “Green City Lab Hue” có mục tiêu là tạo ra không gian đa ngành và đa cấp cho nghiên cứu và thí điểm để phát triển, minh họa, đánh giá và thảo luận các ý tưởng và nội dung cho việc tạo ra và mở rộng cơ sở hạ tầng xanh nước-xanh lục (GBI) ở thành phố Huế, Miền Trung Việt Nam. Với sự hợp tác từ các bên liên quan từ các nhà khoa học, quản lý, chính trị và người dân, và xem xét các quy hoạch hiện có về phát triển đô thị, đoàn dự án sẽ phát triển các kiến thức chuyên sâu, các nội dung chung và một cơ sở dữ liệu để thúc đẩy sự hợp tác, phát triển một mạng lưới chiến lược của các diện tích tự nhiên và bán-tự nhiên ở thành phố Huế. Tích hợp các giải pháp dựa vào tự nhiên và tiếp cận cơ sở hạ tầng xanh nước-xanh lục vào quy hoạch của thành phố Huế có thể giúp bảo vệ nhiều dịch vụ sinh thái đa dạng, nhờ đó tăng cường tính chống chịu về sinh thái và xã hội cho thành phố và vùng lân cận dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Dự án đang được thực hiện trong sự hợp tác với Đại học Humboldt tại Berlin, CHLB Đức và Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung tại Huế – được cấp kinh phí bởi Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, CHLB Đức.